Cai trị độc lập Lý_Mậu_Trinh

Đối đầu Hậu Lương, mất lãnh thổ

Lý Mậu Trinh biết Kỳ quốc của mình nhược tiểu nên không dám xưng đế. Tuy nhiên, ông vẫn thực hiện nhiều hành động giống như một quân chủ, bao gồm việc lập ra Kỳ vương phủ với các quan lại mang chức quan tương tự như trong triều đình đế quốc, gọi dinh thự của mình là "cung điện", và gọi thê của mình là "hoàng hậu". Lý Mậu Trinh tiếp tục nhận được sự ủng hộ của binh lính dưới quyền bằng cách khoan dung và rộng rãi với họ, song kết quả là đội quân của ông trở nên thiếu kỷ luật. Quân đội của ông được mô tả đã rất suy yếu, năm 908, khi nhi tử của Lý Khắc Dụng là Tấn vương Lý Tồn Úc cố gắng giải vây cho Lý Tự Chiêu tại Chiêu Nghĩa[chú 34] khỏi quân Hậu Lương, Lý Mậu Trinh không thể gửi bất cứ hỗ trợ nào.[3]

Năm 908, quân Kỳ và Tiền Thục hợp binh nhằm chiếm Trường An, tướng Trường Thừa Nghiệp của Tấn cũng dẫn quân đến. Tuy nhiên, sau khi quân Kỳ bị Lưu Tri Tuấn đánh bại ở Mạc Cốc[chú 35], quân ba nước đều triệt thoái.[3] Cũng trong năm đó, Bảo Tắc[chú 36] tiết độ sứ Hồ Kính Chương (胡敬璋) của Kỳ cố gắng tiến công Thượng Bình quan[chú 37] của Hậu Lương, song cũng bị Lưu Tri Tuấn đẩy lui.[15]

Sau khi Dương Ác bị các thuộc hạ là Trương HạoTừ Ôn sát hại vào năm 908, Dương Long Diễn lên kế vị và phái thuộc quan là Vạn Toàn Cảm (萬全感) đến Tấn và Kỳ để thông báo việc này. Sau đó, Lý Mậu Trinh "thừa chế" ban cho Dương Long Diễn chức Thượng thư lệnh và tước hiệu Ngô vương (trước đó Dương Ác và Dương Hành Mật đã có tước hiệu này).[15]

Sau khi Hồ Kính Chương qua đời năm 908, thoạt đầu thuộc quan của Hồ Kính Chương là Lưu Vạn Tử (劉萬子) được bổ nhiệm làm Bảo Tắc tiết độ sứ mới. Tuy nhiên, do có tin rằng Lưu Vạn Tử âm mưu đầu hàng Hậu Lương, Lý Diên Đồ (李延圖) được phái đi tiến công Lưu Vạn Tử và chiếm Bảo Tắc. Không lâu sau đó, Bảo Tắc mã quân đô chỉ huy sứ Cao Vạn Hưng (高萬興) và Bảo Đại tiết độ sứ Lý Ngạn Bác (李彥博) đều đầu hàng Hậu Lương.[15]

Khi Hậu Lương Thái Tổ triệu Lưu Tri Tuấn đến để thảo luận về một chiến dịch chống Tấn, Trung Vũ tiết độ sứ Lưu Tri Tuấn cho rằng mình sẽ bị xử tử nên quyết định đầu hàng Kỳ và tiến hành công chiếm Trường An. Tuy nhiên, sau đó tướng Hậu Lương là Lưu Tầm (劉鄩) tiến đến Trường An và tái chiếm thành từ tay quân Kỳ. Lưu Tri Tuấn buộc phải chạy trốn đến Phượng Tường, lãnh thổ do Lưu Tri Tuấn kiểm soát lại rơi vào tay Hậu Lương. Lý Mậu Trinh ban rất nhiều phú quý Lưu Tri Tuấn, song do lãnh thổ của Kỳ lúc này đã thu hẹp rất nhiều, Lý Mậu Trinh cảm thấy không còn vùng nào để giao cho Lưu Tri Tuấn quản lý, và do đó chỉ phong cho Lưu Tri Tuấn làm Trung thư lệnh và thưởng tiền bạc.[15]

Vào mùa đông năm 908, Lý Mậu Trinh phái Lưu Tri Tuấn đi đánh Sóc Phương[chú 38] của Hậu Lương, mục đích là để dùng đất đó phong cho Lưu Tri Tuấn và làm nơi cung cấp ngựa và các gia súc khác cho quân Kỳ. Khi Sóc Phương tiết độ sứ Hàn Tốn (韓遜) cầu viện triều đình Hậu Lương, Hậu Lương Thái Tổ phái Khang Hoài Trinh đi đánh Tĩnh Nan nhằm buộc Lưu Tri Tuấn phải dừng tiến công. Khang Hoài Trinh nhanh chóng chiếm được ba trong số các quận của Tĩnh Nan, song khi Lưu Tri Tuấn quay lại thì Khang rơi vào bẫy và chịu tổn hại nặng nề. Sau trận chiến, mặc dù lãnh thổ nhỏ hẹp song Lý Mậu Trinh vẫn bổ nhiệm Lưu Tri Tuấn làm Chương Nghĩa tiết độ sứ.[15]

Năm 910, Lý Mậu Trinh cùng Lưu Tri Tuấn và Lý Kế Huy hợp binh với quân Tấn để tiến công Định Nan[chú 39] tiết độ sứ Lý Nhân Phúc (李仁福) của Hậu Lương. Sau khi Hậu Lương Thái Tổ phái Lý Ngộ (李遇) và Lưu Oản (劉綰) đến cứu viện Lý Nhân Phúc, quân Kỳ và quân Tấn triệt thoái.[15]

Đối đầu Tiền Thục, Mất Tĩnh Nan và Thiên Hùng

Năm 911, nhi nữ của Vương Kiến vốn được gả cho Lý Kế Sùng, nay được ban tước là Phổ Từ công chúa, đã cho người đến chỗ cha cáo buộc Lý Kế Sùng ngạo mạn và nghiện rượu. Sau đó, Vương Kiến triệu Phổ Từ công chúa về Tiền Thục, bề ngoài là mời bà về thăm nhà. Tuy nhiên, sau khi Phổ Từ công chúa đến Thành Đô, Vương Kiến giữ bà lại và không cho bà trở về chỗ Lý Kế Sùng. Lý Mậu Trinh tức giận và đã chấm dứt liên minh với Tiền Thục.[15]

Sau đó, Lý Mậu Trinh tập hợp binh lính, chuẩn bị cho một cuộc tiến công từ Tiền Thục. Vương Kiến phản ứng lại bằng cách tập hợp 12 vạn người và giao họ cho các dưỡng tử là Vương Tông Hựu (王宗祐) và Vương Tông Hạ (王宗賀) và Sơn Nam tiết độ sứ Đường Đạo Tập thống lĩnh đi đánh Kỳ. Quân Tiền Thục nhanh chóng giành được một số chiến thắng trước quân Kỳ. Tuy nhiên, Lưu Tri Tuấn và Lý Kế Sùng tiến hành phản công, đánh bại quân Tiền Thục; sau đó họ tiến đến Hưng Nguyên. Quân Tiền Thục hoảng loạn và định bỏ Hưng Nguyên, song Đường Đạo Tập từ chối làm vậy. Các cuộc phản công sau đó của quân Tiền Thục đã đánh bại quân Kỳ, buộc quân Kỳ phải triệt thoái. Sau đó, do các lời cáo buộc sai của Thạch Giản Ngung (石簡顒), Lý Mậu Trinh tước quyền thống soái của Lưu Tri Tuấn một thời gian, song sau đó do thúc giục của Lý Kế Sùng, Lý Mậu Trinh lại xử tử Thạch Giản Ngung để làm yên lòng Lưu Tri Tuấn. Sau đó, theo lời mời của Lý Kế Sùng, Lưu Tri Tuấn đưa gia đình đến Tần châu (秦州)- thủ phủ của Thiên Hùng.[16] Vài năm sau đó, giữa Tiền Thục và Kỳ tiếp tục nổ ra các trận chiến, Tiền Thục liên tục chiến thắng và dần thôn tính lãnh thổ của Kỳ.[16][17]

Năm 914, Lý Kế Huy bị nhi tử là Lý Ngạn Lỗ (李彥魯) hạ độc giết chết, Lý Ngạn Lỗ tự xưng là Tĩnh Nan lưu hậu. Sau đó, năm 915, dưỡng tử của Lý Kế Huy là Lý Bảo Hành (李保衡) lại giết chết Lý Ngạn Lỗ và dâng Tĩnh Nan cho Hậu Lương. Hoàng đế Hậu Lương đương thời là Chu Hữu Trinh sau đó đã điều chuyển Lý Bảo Hành đi nơi khác và bổ nhiệm bộ tướng Hoắc Ngạn Uy làm Tĩnh Nan tiết độ sứ; Kỳ sau đó không thể đoạt lại Tĩnh Nan, một nỗ lực của Lưu Tri Tuấn nhằm tái chiếm Tĩnh Nan thoạt đầu đã có kết quả là bế tắc. Sau đó, khi tướng Tiền Thục là Vương Tông Hàn (王宗翰) tiến công Tần châu, Lý Kế Sùng đầu hàng; Lưu Tri Tuấn hay tin Thiên Hùng thất thủ và gia đình bị đưa đến Thành Đô nên quyết định bỏ cuộc bao vây Bân châu và chạy sang Tiền Thục. Trong khi đó, Nghĩa Thăng[chú 40] tiết độ sứ, Lý Ngạn Thao (李彥韜) thấy quốc gia nay suy yếu nên quay sang đầu hàng Hậu Lương.[17]

Vào mùa thu năm 916, Vương Kiến phát động một cuộc tiến công lớn vào Phượng Tường, bao vây kinh thành. Quân Kỳ thủ thành và từ chối giao chiến với quân Tiền Thục. Khi một cơn bão tuyết cản trở cuộc tiến công của Tiền Thục, quân Tiền Thục triệt thoái, song vào thời điểm này, lãnh thổ của Kỳ chỉ còn giới hạn tại Phượng Tường và các vùng ở ngay xung quanh.[17]

Năm 918, Lý Mậu Trinh phái sứ giả đến cầu hòa với Tiền Thục, song không rõ kết quả. Sau khi Vương Kiến qua đời và hoàng tử Vương Diễn lên kế vị, Tiền Thục lại tiến công Phượng Tường vào mùa xuân năm 919. Tuy nhiên, quân Tiền Thục gặp phải mưa bão nên lại triệt thoái.[18]

Năm 920, Tiền Thục lại tiến công Kỳ và thoạt đầu giành được chiến thắng. Tuy nhiên, khi lương thực cạn kiệt, quân Tiền Thục cũng buộc phải triệt thoái.[19]